top of page

Thiết Kế Thị Trường Hoàn Hảo? (Summary)

(Book review: “Who gets what and why? - Prof Alvin Roth - Nobel in Economics 2012)



(Bí mật đằng sau Tinder, Quá trình đăng ký đại học và Trao đổi Thận?)

Tiêu đề của cuốn sách ẩn chứa nhiều hứa hẹn và đầy hấp dẫn. Trong đây, GS Alvin Roth (Stanford) giải thích các ý tưởng đằng sau cơ chế thiết kế thị trường đã giúp ông giành giải Nobel năm 2012 và cách áp dụng cơ chế này cho các vấn đề thực tế của thị trường thật. Trọng tâm của các công trình của ông không phải là thị trường hàng hóa thông thường, mà là các thị trường "matching”   (tạm dịch là: cân xứng) nơi tiền không (hoặc hoàn toàn không) là yếu tố quyết định duy nhất cho việc giao dịch có được thực hiện hay không. Đó là thị trường giữa những cá nhân và hệ thống như thị trường lao động (thuê và được thuê), lựa chọn trường học và nhập học đại học (tìm nơi học và nhận học) và trao đổi thận (một quả thận đổi lấy một quả thận).


Nhìn chung, ông đề xuất rằng có 3 điều mà một thị trường "tốt" (hiệu quả và ổn định) phải có: (Bạn không cần đọc 200 trang sách vì tôi đã tóm tắt tại đây)


1. Dày (thick):

Thị trường dày phải có rất nhiều người mua và người bán, bằng cách:

  • Mua bán xáp nhập với công ty khác

  • Sử dụng công nghệ (app hoặc website) để giúp giao dịch tiện lợi và đơn giản hơn cho 2 bên


2. Không tắc nghẽn

Thị trường thông thoáng, không tắc nghẽn nghĩa là các giao dịch có thể được xử lý hiệu quả, nhanh chóng và thỏa đáng, bằng cách:

  • Tính chuẩn Thời gian (timing): không quá sớm, không quá nhanh, không tạo ra cuộc đua về thời gian để khiến cho các bên cùng không đạt mục đích

  • Tốc độ: giảm thiểu người/quá trình trung gian, sử dụng công nghệ và máy tính để trao đổi (ví dụ như: việc nộp đơn và offer nhận học) được nhanh chóng và đồng bộ

  • Tạo ra tín hiệu (signalling) giúp tránh thừa thông tin không cần thiết.


3. An Toàn

Thị trường an toàn là nơi mọi người có thể tin tưởng hệ thống sẽ hoạt động như họ mong đợi. Nó phải tạo cho người tham gia (bán và mua) tin cậy và được đảm bảo về chất lượng, thông tin, dữ liệu mà họ cung cấp hoặc được cung cấp là đúng chuẩn, bằng cách:

  • Tiêu chuẩn hoá

  • Quản lý và điều tiết thị trường (vai trò của Nhà nước)

  • Bảo mật thông tin dữ liệu cá nhân

  • Không tạo ra nhu cầu “đi cửa sau” hoặc giao dịch qua thị trường đen


Trong cuốn sách này,  ông cũng đưa ra các giải pháp cho các vấn đề đối với ba tiêu chí này bằng các ví dụ thực tế mà tôi nghĩ rất hấp dẫn như:

  • Cơ hội việc làm của sinh viên trường y

  • Ghép và trao đổi thận

  • Đăng ký đại học


Khi sử dụng lý thuyết market design của Roth, cần phải lưu ý:

  • Thị trường luôn thay đổi và thay đổi thiết kế thị trường luôn có thể cần tới cho phù hợp

  • Nhà nước phải hiểu cách thị trường đáng ra nên hoạt động và quản lý như thế nào thì mới biết cách đưa ra các nguyên tắc cho cuộc chơi trong từng thị trường 1 cách phù hợp

  • Thị trường và trao đổi trong thị trường có thể rất chung và cũng rất riêng. Có người sẽ phản đối 1 số trao đổi mà họ cho là “gớm ghiếc” (repugnant) như việc mua bán thận tại Iran hoặc ăn thịt ngựa nhưng cũng có người cho là chấp nhận được. Chúng ta phải tôn trọng từng thị trường và cá nhân tham gia

  • Thị trường bị thiết kế sai sẽ dẫn tới thị trường đen và tham nhũng

  • Thị trường là di sản của con người chứ không có trong tự nhiên, vì thế thiết kế chúng cho phù hợp với con người và hoàn cảnh là cách bảo tồn di sản này tốt nhất.


Về mặt lý thuyết, ý tưởng của ông rất rõ ràng. Ý thức chung được hiển thị và 1 số thiết kế thị trường đã thành công được truyền đạt. Tuy nhiên, tôi thấy có 1 vài điểm chưa hài lòng:

1. Cách truyền đạt:

Tôi không nghĩ cuốn sách cung cấp đủ thông tin về các thuật toán / công thức đằng sau các giải pháp của Roth cho các vấn đề để các thị trường khác có thể học hỏi. Tôi dường như cũng không hiểu làm thế nào thuật toán 'khớp' của ông thực sự hoạt động khác với thuật toán đã tồn tại rõ ràng mặc dù đó là điểm quan trọng nhất đối với tôi - "biết được sự khác biệt”. Và mặc dù đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần mấy chương này rồi nhưng tôi cho rằng để thực sự hiểu, người đọc cần đọc thêm nghiên cứu và các bài báo khoa học của Roth.


2. Triết lý đạo đức

  1. Khi nói về các giao dịch “gớm ghiếc” (repugnant),, tôi nghĩ rằng Roth đã đi hơi xa khi đề cập đến thực hành tôn giáo và hôn nhân đồng giới là ví dụ của 'giao dịch' - Câu hỏi: miễn là bất cứ điều gì có 2 bên liên quan, thì đó có được coi là giao dịch không ?


Tôi không đồng tình với Roth ở quan điểm thị trường có mặt mọi nơi và sai lệch trên thị trường có thể sửa đổi bằng thiết kế lại thị trường. Nhưng tôi tôn trọng ứng dụng của Roth trong những vấn đề xã hội nổi cộm như trường học, y tế, bác sỹ cần có giải pháp gần và xa. Roth đưa ra 1 giải pháp gần. Còn những nhà kinh tế và chính trị gia thì còn cần giải pháp xa hơn.


Để hiểu thêm về Matching Theory: https://www.nobelprize.org/uploads/2018/06/roth-lecture.pdf


Comments


bottom of page