top of page

Thể chế, Văn Hoá, Định Kiến và Bình đẳng Giới

(Book review: Kim Jiyoung, Born 1982 của Cho Nam Joo)


Tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi câu chuyện này. Đó là sự kết hợp giữa cách kể chuyện hư cấu và thực tế giống như một bộ phim tài liệu ngắn về hầu hết mọi phụ nữ ở thời đại ngày nay: từ lúc sinh ra, thời thơ ấu, thời đi học, khi bắt đầu sự nghiệp và những năm tháng bắt đầu làm mẹ.


Kim Jiyoung, người phụ nữ có cuộc sống bình thường, và điển hình của hầu hết các cô gái châu Á 8x-9x, có tiếng nói và bộ não, nhưng nhiều lần, cô không thể nói lên suy nghĩ của mình hoặc thậm chí phải sử dụng lý lẽ của chính mình để kiếm cớ hiểu cho những sự bất công. Có quá nhiều lúc Kim Jiyoung ko thể làm gì. Xã hội và con người là thứ cô không thể thay đổi.



Cho Nam -joo kể câu chuyện về Kim Jiyoung giống như cách Jiyoung kể lại câu chuyện về cuộc đời cô với bác sĩ tâm lý, mà đến cuối tiểu thuyết, bạn chợt nhận rằng cô phải tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Cuốn tiểu thuyết chạm đến trái tim, đặc biệt là trái tim của tất cả phụ nữ châu Á, những người đi qua và hiểu về các nền văn hóa phân biệt giới lâu đời và cả những thay đổi thể chế mà chúng ta vẫn đang sống và chịu đựng mà ít khi thực sự "vấn".


Thế giới đang thay đổi nhưng liệu chúng ta thực sự có nhiều lựa chọn hơn hay chỉ là chúng ta bây giờ được phép chọn trong những lựa chọn bày ra trước mặt? Giá trị của phụ nữ dường như bị áp đặt từ lúc được sinh ra. Vì chính những người trong cuộc thường "mù", không phải ai cũng hiểu được lựa chọn khác là gì và cuộc sống công bằng như thế nào. Có những thứ chưa từng tồn tại trong suy nghĩ hoặc họ thậm chí không biết đến 1 thế giới có thể như vậy. Trong lúc những định kiến bám rễ trong xã hội về những gì phụ nữ có thể và nên làm đã nhiều, những chính sách cũng chẳng giúp gì mấy cho những người thực sự chỉ cần được công nhận công bằng. Cái hay của Cho Nam Joo là cho người đọc hiểu thêm về những tác động trực tiếp của thể chế lên cuộc sống của mỗi người phụ nữ Hàn Quốc.


"Các người muốn gì ở chúng tôi? Những cô gái ngốc nghếch thì bị coi quá ngốc. Những cô gái thông mình thì quá thông minh và những cô gái tầm trung thì quá tầm thường. "

Nếu bạn là 1 phụ nữ châu Á, hãy thử hỏi bản thân: môn bạn học, thể thao bạn chơi có phải là thứ bạn giỏi nhất thích nhất không hay chỉ vì là "nó hợp với con gái'? nghề bạn chọn và mức lương bạn được trả là do bạn công bằng đạt được và thực sự đam mê hay thực sự chỉ vì "lương ổn định, nhàn việc, không phải đi sớm về khuya, không tốt cho con gái"? Bạn lấy chồng vì bạn đến tuổi lấy chồng và trăm nghìn câu hỏi vây quanh hay bạn cảm thấy thích có 1 gia đình, và mình tự tay xây dựng gia đình đó? Bạn đẻ con vì bạn muốn mang đến cuộc đời 1 đứa trẻ và bạn yêu trẻ hay vì tuổi tác, vì áp lực?.... và những câu hỏi từ sau việc đẻ con và chăm con như thế nào thì chắc bạn cũng tự hiểu.


"...Con không biết liệu con sẽ lấy chồng hoặc sẽ có con hay không. Hoặc con sẽ chết trước khi kịp làm những điều đó. Vậy tại sao con phải chối bỏ việc mình muốn làm bây giờ để chuẩn bị cho tương lai mà con không biết có thể sẽ xảy ra hay không?"

Câu chuyện của Jiyoung cho thấy những suy nghĩ phân biệt giới tính này đã ăn sâu vào mọi người ở mọi thế hệ sống đến nỗi ngay cả khi phụ nữ có bộ não tốt nhất, kỹ năng tốt nhất hoặc người chồng hỗ trợ nhất, cô ấy vẫn không thể thực sự được đối xử bình đẳng. Câu chuyện kết thúc với suy nghĩ cảm thông của vị bác sĩ tâm lý về những khó khăn của chính vợ mình cũng giống như những tranh đấu nội tâm khó khăn của Jiyoung vậy, hoặc giống như cô bác sỹ đồng nghiệp tài năng vừa xin nghỉ việc để đẻ con. Tuy nhiên, thật đáng buồn, suy nghĩ của ông tiếp tục theo cách: "Và tôi sẽ phải đảm bảo rằng người thay thế (bác sĩ nữ) sẽ chưa có chồng"....


PS: Thật sự rất khó để viết điểm sách cho cuốn tiểu thuyết này. Tôi đã nghĩ rất nhiều về tiêu đề, về nội dung và về cả cảm xúc của mình khi đọc từng trang sách. Câu chuyện đưa tôi vào 1 cỗ máy thời gian trở về tuổi thơ của mình, quan sát lại những câu nói, những chuyện đã xẩy ra với mình, với chị và mẹ và cả những người phụ nữ khác. Có quá nhiều điều tôi đã thấy, đã nghe nhưng chưa từng hỏi vì sao, chưa từng nghĩ sẽ thay đổi, hoặc chưa từng tính mình sẽ đứng lên chống lại những suy nghĩ phân biệt giới tính cố hữu trong xã hội của chính mình. Tôi chính là Kim Jiyoung, và Kim Jiyoung chính là tất cả những người phụ nữ sinh ra trong thời đại này.


bottom of page